Du xuân vào miền trà sương khói
Lạnh tê tái, sương mù dày đặc, nhưng ở tít xa nơi biên giới Vị Xuyên, giáp đất Trung Quốc, cây trà cổ thụ san tuyết lại đang miệt mài đơm lộc cho vụ xuân, theo chân người làm trà lên miền cao sương khói ấy, đối mặt vất vả, cả những hiểm nguy để thỉnh được lá trà về xuôi, thật là một hành trình du xuân đầy bất ngờ và thú vị.
Rừng trà cổ thụ ngập chìm trong màn sương tuyết của mùa xuân
Nghe anh bạn Trần Lê Trung, một tay làm trà cổ thụ kỳ cựu ở Hà Giang rủ đi hái trà vụ xuân, với câu vè hái trà quen thuộc dân trong nghề hay trêu ghẹo: “Hôm nay lên núi hái trà…”. Nghe tả bãi trà xa tít mù đâu đó trong dãy Tây Côn Lĩnh, nhưng thực là lời mời khó cưỡng bởi ở mùa lạnh giá, tìm một chỗ lạ rong ruổi, hẳn cũng là ý hay.
Hành trình khởi đầu bằng con xe bán tải, thực quá tiện lợi. Nhưng từ Hà Giang, đi sâu vào vùng núi, dốc lên cao dần. Con xe lắc lư, thận trọng vượt qua từng đoạn dốc trơn trượt, bên vách núi đá, bên vực sâu mịt mù. Đích đến là vùng trà ở Xà Phìn, thuộc xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
Cả thôn Xà Phìn áng chừng 20 nóc nhà mái rơm, rêu phong, trầm mặc, chen trong vạt rừng. Trời mù mịt, cả thôn vắng tanh vắng ngắt, cảm giác như đang lạc chân vào một miền hoang sơ nào đó chứ không phải đang đi hái trà.
Theo chân Trần Lê Trung và các cô gái người dân tộc Dao ở Xà Phìn tìm về vùng trà cổ thụ. Đi trong lạnh lẽo của sương mù vây phủ, tứ bề rừng xanh, cảm giác như đang bước vào một cõi mơ hơn là đời thực.
Đi mãi, gối đã chồn, chân đã mỏi, rừng trà cổ thụ vẫn còn đâu đó trong hoang vu. Đường vào vùng trà dần mất lối, dưới chân thảm thực vật mọc chen đặc, trong lún phún mưa với mịt mờ đất trời, tôi chỉ còn biết nhắm hướng theo chỉ dẫn của những cô gái Dao bản địa.
Càng vào rừng sâu, thảm cỏ, dương xỉ càng dày, hóa ra đây là môi trường lý tưởng cho lũ vắt khát máu trú ẩn. Bên cạnh vắt, còn là những chú rắn độc ngụy trang, ẩn hiện dưới thảm thực vật. Chưa hái được lá trà, nhưng với những gì trải nghiệm, tôi đã phần nào thấm thía nỗi cực nhọc, khó khăn, và cả hiểm nguy của người làm trà nơi vùng cao Tây Côn Lĩnh.
Trong lúc xử lý lũ vắt đeo bám, Trung kể về vùng trà: “Vườn trà ở đây có độ cao trung bình hơn 1.800m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ nên chất trà rất tốt. Vụ trà xuân bao giờ cũng được khách ưa chuộng vì sau quá trình ngủ đông dài, trà lưu giữ được hương thơm, vị ngọt quyến rũ nhất”.
Các cô gái người Dao đỏ thoăn thoắt leo lên các gốc trà to đôi ba người ôm, hái búp non đưa về sao sấy. Công việc hái trà, với khách xuôi nhìn có phần e ngại, nhưng với những người như Trần Thị Mùi lại quá quen: “Mình sinh ra đã thấy trà cổ thụ thế này. Ngày xưa khi mình lớn lên, bố mẹ hướng dẫn đi hái trà, từ lúc 8 tuổi đã vào rừng hái trà rồi. Hái trà mình thấy vui lắm, một năm hái ba vụ, vụ tháng ba tốt nhất, khoảng 4-5 tuần mới hết. Bố mẹ kể từ ngày xưa ông bà cụ hướng dẫn cho cách hái, sao sấy, bây giờ bố mẹ hướng dẫn lại bọn mình”.
Chuyến lặn lội rừng sâu đi hái trà cùng người Dao ở Xà Phìn, dẫu ngắn, nhưng để lại nhiều kỷ niệm, đặc biệt là cơ hội trải nghiệm về một vùng phong cảnh nguyên sơ, duyên dáng. Mong lắm mùa xuân sau, sẽ lại rủ nhau lên núi hái trà.
Công đoạn hái trà rất gian nan vất vả, thường do các cô gái đảm nhiệm
Vùng trà càng ngập trong sương lạnh, khắc nghiệt, càng có chất trà hảo hạng
Vẻ đẹp từ những gốc trà cổ kính, rêu phong đã qua hàng trăm năm tuổi
Trà sau khi hái được đem về làm héo
Trà cần qua nhiều công đoạn, héo, vò, sao sấy tỉ mỉ mới có thể đánh thức được những tinh túy nhất ẩn trong trà
Nhịp sống nhà nông thường ngày ở thôn Xà Phìn