NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẰNG SAU CHÉN TRÀ VIỆT
Bài viết cảm nhận của tác giả Vanessa Lee Facenda - biên tập của tờ báo Tea and Coffee Trade Journal - trong chuyến thăm vùng chè Việt Nam tháng 7 năm 2019
"Tuần trước, tôi đã trở lại Việt Nam để thăm quan vườn chè shan và nhà máy sản xuất chè xanh, chè đen tại hai tỉnh Sơn La và Phú Thọ. Chè là một ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam, với sản lượng đang tăng lên hàng năm (đứng thứ 5 thế giới), xuất khẩu cũng lớn mạnh và tiêu dùng trong nước luôn ở mức ổn định. Chính vì vậy, câu chuyện về ngành chè phát triển mạnh mẽ cùng nỗ lực để cải thiện chất lượng và hình ảnh sản phẩm tại Việt Nam sẽ được đăng tải vào ấn phẩm Tea & Coffee Trade Journal tháng 11 sắp tới.
Sau vài ngày tham quan các vùng trồng chè của Việt Nam, cả khu vườn và nhà máy nơi chế biến chè, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là những người phụ nữ làm việc trong ngành chè. Trong khi hầu hết chè công nghiệp được thu hoạch bằng máy, một vài loại vẫn cần phải được hái tay như tại khu vườn của công ty Chè Mộc Châu. Và người phụ nữ sẽ là những người chịu trách nhiệm thực hiện công việc này. Tôi được mách rằng: Lý do là vì họ kiên nhẫn hơn, tập trung tới tiểu tiết hơn – cho nên họ sẽ thu hái tốt hơn đàn ông. Tôi cũng rất ấn tượng với sự nhanh nhẹn của họ khi thoăn thoắt di chuyển lên xuống giữa các luống chè để hái chè.
Sau đó, từng người sẽ đặt một bao chè to lên phía sau xe máy hoặc là xe đạp của mình để đem đi cân, Và họ lại chất những bao chè này lên một chiếc ô tô tải để vận chuyện đến nhà máy rồi quay trở lại đồi chè cho lần hái tiếp theo. Mặc cho ngoài trời đang nắng chang chang, hơn 30 mấy độ, những người phụ nữ vẫn luôn giữ nụ cười trên môi, tận tụy với công việc của mình. Và đối với phần lớn trong số họ, sau khi thu hái chè, ngày làm việc của họ vẫn chưa kết thúc vì họ sẽ trở về nhà và tiếp tục chăm sóc gia đình của mình.
Chè Shan mọc tự nhiên trên những ngọn núi ở tỉnh Sơn La và Hà Giang tại Việt Nam. Tôi đã có dịp được đi thăm công ty chè Shanam tại Tà Xùa, Sơn La, trong tuần tiếp theo. Những cây chè cổ, có những cây hơn 200 tuổi, mọc ở độ cao 1500 – 2900 mét so với mực nước biển, có thân khá cao, nhưng vẫn tài tình bám trụ chắc chắn trên những mỏm đá cheo leo, nơi việc thu hái bằng máy là không thể thực hiện được. Cả đàn ông và phụ nữ tại đây sẽ tham gia vào việc thu hái. Rừng chè Shan tại làng Tà Xùa thuộc sở hữu và chăm sóc bởi người H.mong địa phương. Những người phụ nữ H’mong mặc những chiếc váy sặc sỡ đặc trưng cho dân tộc của mình để đi hái chè và làm việc tại nhà máy chế biến.
Chúng tôi tới đây vào tối thứ 7 và nhà máy chế biến vẫn đang hoạt động vì mùa thu hoạch vừa mới bắt đầu. Cả phụ nữ và đàn ông đều bận rộn phân loại lá chè tươi, sấy hái, xào lăn. Mẻ chè cuối cùng được chế biến trong ngày kết thúc lúc 10h – 11h đêm. Nhà máy cũng chính là một ngôi nhà homestay dành cho khách du lịch, được bố trí sát với phòng sản xuất chè – đây cũng là nơi nghỉ qua đêm của chúng tôi. Trong khi việc sản xuất diễn ra, những người phụ nữ tranh thủ chuẩn bị bữa tối cho tất cả khách và dọn dẹp sau khi bữa ăn kết thúc. Sau đó mọi người cùng thưởng thức trà nóng, nghỉ ngơi và lên giường đi ngủ. Ngày mới bắt đầu khi chú gà trống của công ty cất tiếng gáy lúc 4 giờ.
Vào ngày chủ nhật, công nhân nhà máy được nghỉ vì không có chè tươi để chế biến. Tuy nhiên những người phụ nữ vẫn làm việc để chuẩn bị bữa sáng và trưa cho khác và tất nhiên, dọn dẹp. Giữa những bữa ăn, họ sẽ mang váy ra khâu vá, làm trang sức hạt để đem bán dưới thị trấn. Đối với người phụ nữ nơi đây, ngày nào cũng là ngày làm việc.
Chính vì vậy, lần tới, khi thưởng thức một chén trà, đừng chỉ nghĩ tới nguyên liệu, mà hãy nghĩ tới người đã bỏ công bỏ sức vào đó nhé. Và đối với tôi, tôi chắc chắn sẽ nghĩ tới những người phụ nữ này và nỗ lực phi thường của họ"
Vanessa Lee Facenda