CHUYỆN TRÀ SHAN “5 CỰC” Ở SUỐI GIÀNG, YÊN BÁI
Lộ trình đi từ Hà Nội lên Yên Bái khoảng 150km, đi tiếp 70km nữa là tới huyện Văn Chấn, thêm 12km đường núi hiểm trở, dốc cao sẽ tới được xã Suối Giàng - quê hương của hơn 400 cây chè Shan Tuyết hoang dã cổ thụ vài trăm năm tuổi - đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Chè Shan Tuyết ở Suối Giàng, Yên Bái nào giờ vẫn được xếp vào hàng đầu bảng các loại trà bởi câu chuyện “5 Cực” nổi tiếng.Diện tích cây chè Shan Tuyết trải rộng khoảng 400 ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên khoảng 300 ha, chủ yếu ở các thôn Giàng A, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… Những cây chè có thân to bằng vài người ôm, thân trắng xoá lớp mốc địa y, tán rộng khoảng 20m2. Búp chè Shan ở đây to, chắc, phủ một lớp lông mịn như nhung, trắng như tuyết. |
Thứ nhất là “cực khổ” khi trồng và thu hái (phải trèo lên ngọn cây cao cheo leo). Thứ nhì là “cực sạch” - vì là cây mọc hoang dã tự nhiên, không có quá trình chăm bón của con người, không thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… Thứ ba là “cực hiếm” vì sản lượng ít, so với các giống chè trồng công nghiệp. Thứ tư là “cực ngon” - với đầy đủ các phẩm chất của cây chè hoang dã núi rừng Tây Bắc. Cuối cùng là “cực đắt” - tuy nhiên số tiền bỏ ra lại hoàn toàn xứng đáng với thưởng khách mê trà.
Suối Giàng có tới 98% dân cư là người dân tộc H’Mông. Họ sống với nghề thu hái và chế biến chè theo phương pháp thủ công, truyền thống, từ đời này sang đời khác. Cây chè Shan thường cho thu hoạch 4 lứa/năm. Lứa chè Xuân cho thu hoạch cuối tháng 3 hàng năm, đây là lứa chè có chất lượng cao, tỷ lệ búp có tuyết trắng chiếm trên 50% và đây cũng là lứa có sản lượng cao nhất trong năm chiếm 35-40% sản lượng cả năm. Các lứa chè tiếp theo cho thu hoạch vào tháng 5, tháng 8 tháng 10. Vào mùa thu hoạch chè Shan Tuyết, khắp bản làng đâu đâu cũng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt của lá chè tươi sao trên chảo gang, bếp củi. Chè Shan Tuyết Suối Giàng có sắc nước trong, ánh vàng như mật rừng, vị đượm đằm, ngọt hậu và bền nước.
Theo thời gian, việc chế biến chè Shan Tuyết tại Suối Giàng dần được đưa vào phương thức và quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn, giúp khẳng định thương hiệu trên thị trường chè trong nước và quốc tế. Một số cột mốc đáng chú ý như: Năm 1980, thành lập nhà máy chè đặc sản Yên Bái. Năm 2007, thành lập HTX Suối Giàng. Năm 2015, xây dựng nhà máy chế biến chè từ nguồn vốn đầu tư QSEAP. Năm 2018, xuất hiện thêm nhiều công ty chế biến và xuất khẩu chè Shan sang thị trường quốc tế.
Hiện nay, Suối Giàng, Yên Bái đã thực sự là một địa danh nổi tiếng trong lòng người yêu chè. Điều ấy là hoàn toàn xứng đáng với quần thể chè Shan Tuyết cổ thụ nơi đây, đồng thời tạo nên nguồn thu nhập tốt cho bà con người Mông bản xứ.